Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang cố gắng hoàn thiện kỹ thuật, trang thiết bị, nhân lực và ghép thực nghiệm trước khi thực hiện chính thức trên người. PGS Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc cho biết: ghép tử cung không chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều nước trên thế giới, còn rất mới mẻ. Chưa nhiều nước ghép được tử cung, ngoại trừ Brazil mới đây đã có trường hợp em bé đầu tiên ra đời từ tử cung của người mẹ được ghép của người đã mất. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới ra đời như vậy, được đánh giá là thành tựu mang tính lịch sử của y khoa thế giới.
Dự kiến ca thử nghiệm ghép tử cung đầu tiên ở Việt Nam sẽ tiến hành trong vòng khoảng 3 năm nữa, nếu điều kiện kỹ thuật thuận lợi.
PGS Phạm Nguyên Sơn cho hay, những trường hợp phải ghép tử cung là người bất thường về tử cung, không thể mang thai. Nguồn hiến có thể là mẹ tặng tử cung để ghép cho con gái hay từ người cho chết não.
Ghép tử cung sẽ giúp những phụ nữ không có tử cung, không may bị cắt tử cung hoặc các bệnh lý khác có thể được ghép bộ phận mới, có được chức năng sinh sản bình thường.
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những đơn vị dẫn đầu ngành ghép tạng hiện nay ở Việt Nam. Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca ghép tạng thường quy như ghép phổi, ghép giác mạc, ghép thận… Tháng 2, bệnh viện thành công trong ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Theo Petrotimes
Bình Luận