Bác sĩ Ðặng Cát sinh ra và lớn lên ở Nam Ðịnh. Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, ông được cử đi học chuyên sâu ngành y và gắn bó với nghề từ đó. Dấu chân của ông đã in khắp các chiến trường Tây Bắc, trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ và cả ở nước bạn Lào. Ông đã chữa trị cho rất nhiều thương, bệnh binh, bộ đội và người dân bản làng nơi đơn vị đóng quân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là chủ nhiệm quân y Công an vũ trang tỉnh Sơn La, rồi làm Chủ nhiệm quân y Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), ông từng được giới chuyên môn đánh giá là bác sĩ chuyên khoa ngoại và chuyên khoa truyền nhiễm hàng đầu của ngành y tế quân đội.

Bác sĩ Cát 81 tuổi vẫn một lòng yêu nghề
Năm 1989, ông về hưu. Thay vì lựa chọn cuộc sống thảnh thơi, tận hưởng những năm tháng an nhàn khi về già, ông quyết định khám bệnh miễn phí cho mọi người. Ban đầu, người bệnh của ông chỉ là hàng xóm ở ngõ 416, đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân. Nhưng về sau, tiếng lành đồn xa, rất nhiều người đã tìm đến nhờ ông thăm khám, tư vấn, chữa bệnh.
Hằng ngày, bác sĩ Cát đã khám bệnh từ 6 giờ sáng cho đến tận tối khuya. Ở tuổi 81, mắt ông vẫn tinh, đôi tay vẫn linh hoạt và dáng đi nhanh nhẹn. Hôm chúng tôi đến, người bệnh đầu tiên gõ cửa nhà bác sĩ về hưu là ông Nguyễn Văn Vân, 76 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, bị bệnh đau khớp, u thanh quản. Sau khi khám bệnh, ông kê đơn thuốc, dặn dò, giảng giải về đơn thuốc cho người nhà ông Vân cẩn thận và khuyên người bệnh uống thuốc đều đặn. Cảm ơn bác sĩ Cát, người nhà của ông Vân gửi bác sĩ tiền khám bệnh. Vị bác sĩ già không nhận tiền và nhắc đưa người bệnh tới khám lại đúng lịch.
Bà Ngô Thị Hồng, 74 tuổi, hàng xóm mà bác sĩ Cát cho biết, bà con dân phố không ai không quý mến ông Cát. Ông không chỉ hiền lành, tốt bụng, mà còn chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người. Hàng xóm mỗi khi ốm đau, mệt mỏi đều đến nhờ ông ấy khám, chữa bệnh. Bản thân bà Hồng cũng từng là bệnh nhân được ông Cát điều trị suốt một tháng. Thời điểm bà bị đau chân, ngày nào ông cũng đến tận nhà kê đơn, tiêm thuốc điều trị tận tình, nhưng khi người bệnh được chữa khỏi, bác sĩ Cát kiên quyết không nhận tiền cảm ơn. Rất nhiều người sau khi được vị bác sĩ về hưu tận tình cứu chữa, khi khỏi bệnh đã cảm ơn vị bác sĩ tốt bụng bằng những món quà ý nghĩa.
Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí cho mọi người, bác sĩ Cát còn tích cực tham gia các hoạt động và đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong các đoàn thể ở địa phương như: Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học phường Nhật Tân và Bí thư Chi bộ 3 từ năm 1989 đến năm 2014. Bác sĩ Cát đã được thành phố Hà Nội và Quận ủy Tây Hồ trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Vào dịp kỷ niệm 63 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông là một trong mười cá nhân được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú. Nhắc đến danh hiệu này, ông Cát khiêm tốn: “Bản thân tôi sinh ra khi đất nước còn đói nghèo, chiến tranh. Ngày bé, tôi chỉ mong, nếu được đi học, sẽ học thật chăm, thật giỏi, am tường thật nhiều kiến thức để sau này giúp cho người dân đỡ vất vả, giúp cho đất nước mình đỡ khó khăn. Những gì tôi làm là hiện thực hóa ước mơ của chính mình, tự tôi thấy mình đã có được một phần thưởng xứng đáng rồi”.
Theo Nhân dân
Bình Luận