Ytvn

Chen chúc lên bệnh viện tuyến trên chữa rối loạn tiền đình

11:59 - 22/08/2022

Cô giáo cũ của tôi chữa ở bệnh viện địa phương nhưng không khỏi nên khăn gói lên Sài Gòn khám.

Hôm trước cô giáo cũ của tôi bị chóng mặt, kèm nôn ói, được chỉ định chụp CT scan kiểm tra ở bệnh viện địa phương và kê toa.

Uống thuốc mấy ngày vẫn chưa hết, cô gọi hỏi tôi lên TP HCM khám ở bệnh viện nào được. Sau khi hỏi thăm tình hình của cô, xem kết quả chụp cắt lớp vi tính và siêu âm, tôi cũng nghĩ giống như những đồng nghiệp là cô bị rối loạn tiền đình.

Tuy vậy, cô nói cô đang trên đường lên Sài Gòn rồi, tình thế tiến thoái lưỡng nan, cộng thêm tôi không khám bệnh trực tiếp cho cô, tôi nói cô thôi sẵn lên rồi thì cô ghé bệnh viện X kiểm tra cho chắc, chứ đừng ghé bệnh viện Y, tại bệnh viện Y đông lắm. Tôi cũng thòng thêm một câu: “Giờ bệnh viện lớn nào cũng đông hết cô ạ”. Cô đăng ký, bốc số thứ tự, khám và lấy thuốc xong thì trời cũng nhá nhem tối.

Rồi một tình huống khác, hôm đó, tôi gặp một bệnh nhân loét dạ dày tá tràng, hiện đã ổn, nhưng chú và vợ lặn lội từ miền Trung vô khám ở một bệnh viện tuyến đầu của TP HCM. Lần lượt thực hiện các thủ tục, đợi để được thăm khám rồi chuyển lên khoa mất khá lâu, khi mà chú an vị trên một chiếc băng ca (khoa hết giường) ở khoa tiêu hoá thì đã gần tới “cữ ăn khuya”.

Vẻ mặt chú mệt nhoài, tôi hỏi chú sao không khám và điều trị ở bệnh viện địa phương mà lặn lội lên đây, vừa tốn tiền, vừa đông, vừa mệt, thay vì chen chúc thật lâu để được một chiếc băng ca giữa biển người thì chú có thể dành thời gian nghỉ ngơi trên chiếc giường êm ái ở một bệnh viện ít đông hơn. Chú bảo khám ở dưới chú không yên tâm, thôi thì lên đây cho chắc ăn.

Phải chăng đó là nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến đầu luôn quá tải? Vấn đề này có lẽ là một vấn đề không mới, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh đối lập: Một bệnh viện thì đông nghẹt, bệnh nhân, thân nhân nằm la liệt từ trong buồng bệnh ra tới hành lang, những ngày nắng nóng thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, những ngày mưa thì còn khổ hơn, mưa tạt ướt cả dãy hành lang, khoảng không sinh gian riêng chỉ gói gọn ở trong khoảng chưa tới hai mét vuông giờ lại ướt và thu nhỏ hơn. Còn ở các bệnh viện tuyến địa phương, bệnh viện rộng, thoáng và ít bệnh nhân.

Thực tế, mỗi xã thường sẽ có trạm y tế, mỗi huyện có bệnh viện huyện, mỗi tỉnh sẽ có bệnh viện tỉnh, cộng thêm một vài bệnh viện công, bán công hoặc tư khác, nhưng với tâm lý lo lắng và không tin tưởng ở bệnh viện tuyến dưới, nhiều người dân đã bấp chấp khó khăn, trở ngại về địa lý, chấp nhận đi một quãng đường xa hơn, tốn nhiều tiền của, thời gian đi lại hơn để đến khám tại những bệnh viện lớn, bệnh viện tuyến đầu.

Hình ảnh bệnh nhân phải tốn kém, chen chúc, khổ sở với mong muốn được điều trị ở nơi có máy móc và chuyên môn tốt hơn dấy lên trong tôi nhiều suy nghĩ: Đến bao giờ, người dân có thể tiếp cận được những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất dù ở đâu? Đến bao giờ thì bệnh viện tuyến cuối không còn quá tải?

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, hy vọng khoảng cách về trang thiết bị y tế, trình độ chuyên môn ở các bệnh viện địa phương và bệnh viện tuyến trên được rút ngắn, góp phần tạo niềm tin cho người bệnh, để người an tâm điều trị đúng bệnh, đúng tuyến, góp phần làm giảm thiểu tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến đầu.

Theo VNE 

Có thể bạn quan tâm

Bình Luận

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Các thông tin trên ytvn.vn chỉ mang tính chất tham khảo, khi áp dụng phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của Bác sĩ.
Chúng tôi không chịu bất cứ trách nhiệm nào do việc tự ý áp dụng các thông tin trên ytvn.vn gây ra.