Ngày 21/11, phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.L., (27 tuổi, trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ) trong tình trạng chảy máu nhiều phần cánh tay phải, ngực, bụng, lóc toàn bộ da từ cánh tay phải đến bụng.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành xử lý cầm máu vết thương. Hội chẩn gấp được tiến hành ngay tại phòng cấp cứu, chỉ với ba test nhanh (HIV, HCV, HBV) bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng mổ cấp cứu với 3 đơn vị máu cùng các bác sĩ phẫu thuật.
Phần da cánh tay bị lột của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, các bác sĩ tiến hành cắt lọc mô dập nát, ghép da từ vùng cánh tay phải, ngực đến bụng.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân vừa hồi phục sau phẫu thuật chấn thương sọ não nghiêm trọng do tai nạn giao thông tháng 7 vừa qua nên ca phẫu thuật cần hết sức tập trung và chính xác. Gia đình đã bảo quản phần da bị lóc của bệnh nhân và mang đến bệnh viện kịp thời nên bệnh nhân có thể thực hiện ghép da thuận lợi.
Tuy nhiên do công tác sơ cứu, cầm máu khi bị tai nạn chưa được tốt nên bệnh nhân mất máu rất nhiều, vào viện trong tình trạng sốc chấn thương, sốc mất máu, rất nguy hiểm.
An toàn lao động là điều rất quan trọng, cần trang bị đồ bảo hộ lao động, kiến thức trong an toàn lao động và cách xử lý khi xảy ra tai nạn. Khi có tổn thương mất da, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời, băng bó cầm máu, che phủ tổn thương, chống sốc, giảm đau và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để được điều trị tốt nhất.
Lưu ý: mảnh da bị lóc khỏi cơ thể cần được rửa sạch, bảo quản ngay vào túi nylon sạch, buộc kín, sau đó cho vào hộp (thùng, bình) có nước đá lạnh và chuyển cùng nạn nhân tới bệnh viện tuyến chuyên khoa.
Bình Luận