Các cảnh báo về tình trạng nhiễm khuẩn đa kháng hiện tại; ảnh hưởng của nó đến điều trị, có thể dẫn đến nhiều bệnh không còn thuốc chữa trong tương lai đã được các chuyên ra đưa ra tại Hội nghị Đổi mới y khoa trong thế giới thay đổi, do Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ tổ chức, vào ngày 8-9/12 vừa qua.
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Giám đốc chuyên môn y khoa Tập đoàn Y Khoa Hoàn Mỹ, nhiễm khuẩn đa kháng là tình trạng vi khuẩn làm cho kháng sinh mất khả năng kiểm soát hoặc tiêu diệt, vi khuẩn kháng ít nhất với 2 nhóm kháng sinh trở lên. Việc lan truyền vi khuẩn đa kháng diễn ra cả trong bệnh viện lẫn cộng đồng. Nhiễm khuẩn đa kháng dẫn đến tỉ lệ tử vong cao, lên đến 40-50%. Tình trạng này gây ra những hậu quả lớn hơn cả bệnh Covid-19 nhưng diễn tiến “thầm lặng” nên việc kiểm soát nhiễm khuẩn đa kháng chưa được cả xã hội quan tâm.

PGS.TS.BS. Lê Thị Anh Thư trình bày đề tài nghiên cứu về nhiễm khuẩn đa kháng tại hội nghị. Ảnh: Hoàn Mỹ
“Việt Nam là nước có tỉ lệ nhiễm khuẩn đa kháng cao, dẫn đến việc người bệnh kháng thuốc và đứng trước nguy cơ mắc nhiều loại bệnh nguy hiểm và không có khả năng chữa trị”, bác sĩ Thư chia sẻ.
Cụ thể, tại Việt Nam tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin. Tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%…
Bác sĩ Thư cho biết thêm, bên cạnh nguyên nhân vi khuẩn biến đổi và tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi, một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới còn cho thấy, việc trái đất nóng dần lên cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh truyền nhiễm. Có giả thuyết cho rằng các mầm bệnh nguy hiểm từ thời tiền sử đang nằm trong lớp băng vĩnh cửu bắt đầu tan rã, sống dậy và lây lan vào môi trường.

Một ca phẫu thuật bệnh viện Quốc tế Vinh. Ảnh: Hoàn Mỹ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tức xấp xỉ 10 triệu người một năm. Khi đó, một vết cắt bị nhiễm khuẩn hay các bệnh thông thường như ho cũng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.
Năm 2019 thế giới có khoảng 1,27 triệu người đã tử vong do nhiễm siêu vi khuẩn qua phân tích 471 triệu hồ sơ thông tin từ 204 quốc gia. Trong khi đó, số người chết vì HIV/AIDS hoặc sốt rét trong cùng năm chỉ ở mức 860.000 người và 640.000 người.
Các chuyên gia tại hội thảo nhận định, đã đến lúc cần thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn đa kháng. Theo lời kêu gọi của WHO, “nếu không hành động hôm nay thì ngày mai, nhân loại sẽ không còn thuốc chữa”.
“Ngay từ bây giờ, người dân cần tránh thói quen sử dụng kháng sinh khi bị ốm mà chưa rõ do nguyên nhân. Tại bệnh viện, nhân viên y tế cần đánh giá đẩy đủ về việc đề kháng của các chủng vi khuẩn, xem xét cách ly với bệnh nhân nhiễm đa kháng, tăng cường vệ sinh tay, giám sát môi trường, thiết bị, sử dụng sinh học phân tử xác định khả năng lây truyền… cũng như chú trọng sử dụng kháng sinh hợp lý”, bác sĩ Thư khuyến nghị.

Một hoạt động cam kết sử dụng kháng sinh an toàn tại bệnh viện Đa Khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn. Ảnh: Hoàn Mỹ
Tại hệ thống y khoa Hoàn Mỹ, việc sử dụng kháng sinh cho người bệnh luôn được kiểm soát chặt chẽ thông qua các hoạt động như hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, giám sát việc kê toa sử dụng kháng sinh; huấn luyện, đào tạo truyền thông về kháng sinh, về đề kháng kháng sinh và giải pháp khắc phục; nâng cao năng lực xét nghiệm vi sinh; đảm bảo các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn… Bệnh viện cũng đang ra mắt sách phiên bản cập nhật hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật.
“Chúng tôi hi vọng đây là một bước đi đúng và vững chắc trên hành trình Hoàn Mỹ trở thành hình mẫu lâm sàng trong ngành y tế Việt Nam”, PGS.TS. BS. Lê Thị Anh Thư khẳng định.
Theo Vne
Bình Luận